Canalblog
Suivre ce blog Administration + Créer mon blog

Xã Hội Chủ Nghĩa

27 février 2014

Ông Trần Văn Truyền "sẵn sàng" giải thích

Dinh thự của ông Trần Văn Truyền tọa lạc ở Bến Tre

Cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói ông sẵn sàng "cung cấp thông tin và minh định tài sản" với cơ quan chức năng sau các tin đồn mới đây.

Báo Người Cao Tuổi của Hội người cao tuổi Việt Nam hôm 21/2 đăng bài và ảnh về các "dinh thự, biệt thự, nhà đất, một phần trong khối tài sản của ông Trần Văn Truyền", cựu Ủy viên Trung ương Đảng CSVN.

Ông Truyền giữ vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ từ 2007-2011.

Thông tin của báo Người Cao Tuổi đã bị ông phản bác một ngày sau đó.

Ngày 26/2, trong cuộc Bấmphỏng vấn với báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, vị cựu ủy viên Trung ương nói: "Tôi sẵn sàng cung cấp các thông tin và minh định về tài sản của mình với cơ quan chức năng Trung ương, nếu các cơ quan này có nhu cầu xác minh, làm rõ".

Đất của con trai

Bài trên báo Người Cao Tuổi phản ánh về cái mà tác giả bài báo gọi là "biệt dinh" của ông Trần Văn Truyền, được nói nằm trên khu đất rộng 30.000 m2.

Ông Truyền nói với Pháp luật TP HCM rằng đây là khu đất con trai ông đã mua trước đó: "Đất này vốn là ruộng phèn, trũng thấp, con trai tôi mua lại của nhiều hộ dân kề cận mới có được tổng diện hơn 16.000 m2 chứ không phải như một số tờ báo nêu trên 30.000 m2".

Cũng theo ông cựu chánh thanh tra, dinh thự do người quen ở Đại học Kiến trúc thiết kế nên "nhìn nó rất là sang chứ giá trị không lớn, đồ vật cũng bình thường".

Ông cũng khẳng định tiền xây dựng một phần là của gia đình tích cóp, một phần từ sự giúp đỡ của bạn bè, "có một cô em nuôi ở quận 9, TP.HCM, có hỗ trợ tiền bạc khi thiếu hụt".

"Tôi là cán bộ diện Trung ương quản lý, nếu cần xác minh làm rõ, các cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc, tôi sẽ cung cấp tất cả thông tin liên quan."

Cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền

Bài trên Người Cao Tuổi nói ông Truyền sở hữu, ngoài "biệt dinh" và bốn căn nhà gỗ lợp ngói đỏ ở TP Bến Tre, hai nhà ông cho thuê cũng ở Bến Tre và ba bất động sản khác ở TP HCM.

Những điều này cũng bị ông bác bỏ, nói rằng ông chỉ có thêm một nhà cho thuê ở Bến Tre và "căn nhà ở quận 9, tôi và đứa em gái nuôi góp vốn xây dựng lên".

Ông Trần Văn Truyền được dẫn lời nói: "Tôi là cán bộ diện Trung ương quản lý, nếu cần xác minh làm rõ, các cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc, tôi sẽ cung cấp tất cả thông tin liên quan".

Hiện tại, luật pháp Việt Nam chưa quy định về kê khai, công khai tài sản của các quan chức do Trung ương quản lý nhưng đã nghỉ hưu.

Ông Trần Văn Truyền, sinh năm 1950 ở Bến Tre, là ủy viên Trung ương Đảng CSVN khóa IX, X, đại biểu Quốc hội khóa X, XII và từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông từng nói trên báo chí trong nước: "Đảng và Nhà nước đang khuyến khích chống tham nhũng và chúng ta phải bắt đầu từ các cá nhân".

"Mình phải chấp nhận khi đã dấn thân vào cuộc chiến này thì đương nhiên sẽ có những tổn thương và nguy hiểm."

"Công khai minh bạch chính là chìa khóa, là vấn đề xương sống. .. Đặc biệt là công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/02/140227_tranvantruyen_explanation.shtml

 

 

Publicité
25 février 2014

Vào đảng chỉ để làm giầu

Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có bao nhiêu biệt thự?

Trần Tiến Công (Báo Người Cao Tuổi) - Trang THƯ GIÃN CUỐI TUẦN kì này trân trọng kính mời bạn đọc “chiêm ngưỡng” một số hình ảnh về “của nổi” là những dinh thự, biệt thự, nhà đất, một phần trong khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP). Ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. 

Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng (ảnh 1) và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ (ảnh 3), nghe nói có cả tốp thợ Nam Hà thi công nhiều tháng qua. Những căn nhà gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt. Nguồn tin từ một số cán bộ ở TTCP và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng, v.v…
 
 
Dinh thự của ông Trần Văn Truyền trong khuôn viên 3 héc-ta tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
 

 
Cổng chính đi vào dinh thự và “dự án gia đình” của ông Trần Văn Truyền màu sắc như sơn son thếp vàng.

 
 
Nhà gỗ nhìn từ phía bên hông, “dự án gia đình” ông Truyền phía trong có 4 căn nhà gỗ kiểu biệt thự nhỏ, đều lợp ngói đỏ.
 

 
Một góc dinh thự chính.
 

 
Căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, TP Bến Tre rộng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội VHNT tỉnh bị đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền nay cho doanh nghiệp tư nhân thuê.
 

 
Ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê.
Thông tin thì nhiều, có thể chưa đầy đủ hoặc có chi tiết chưa chính xác, song những tấm ảnh mà độc giả mục sở thị trong trang này là hiện thực nhãn tiền.
Nhiều người bảo làm cán bộ thanh tra thì nhanh chóng giàu có, nhưng không phải ai cũng làm giàu bất chính cả đâu! Chỉ có điều, người có nhiều nhà như ông Trần Văn Truyền có lẽ trở thành “tấm gương” cho cấp dưới. Chỉ ví dụ một trường hợp ông Lê Sỹ Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ I TTCP có 6 nhà như Báo Người cao tuổi đã đưa tin.
Bài và ảnh Trần Tiến Công
19 février 2014

Bạo lực leo thang tại Ukraine

Nhiều người được đưa vào bệnh viện trong tình trạng bị thương nặng

 

Ít nhất 25 người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô Kiev, Ukraine, Bộ Y tế nước này cho biết

Thông cáo từ Bộ Nội vụ nói 9 người trong số này là nhân viên cảnh sát và một người là nhà báo.

Hàng trăm người đã được đưa vào bệnh viện để chữa trị vết thương và hiện đang có quan ngại rằng số người chết có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã đổ lỗi cho các lãnh đạo phe đối lập là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực leo thang, trong khi các nhà hoạt động cho rằng trách nhiệm thuộc về phía chính phủ.

Sau khi đàm phán với phe đối lập thất bại, ông Yanukovych đã kêu gọi những người biểu tình "tránh xa lực lượng cực đoan", và nói "vẫn chưa quá muộn để chấm dứt xung đột."

Cảnh sát chống bạo động vẫn đang tiếp tục tiến công vào trại biểu tình chính tại Quảng trường Độc lập, tâm điểm của phong trào biểu tình chống chính phủ nổ ra từ tháng 11 năm ngoái.

'Hòn đảo tự do'

Hàng nghìn cảnh sát chống bạo động được triển khai để trấn áp người biểu tình

 

Trước đó, các lực lượng an ninh đã yêu cầu người biểu tình phải rời khỏi Quảng trường Độc lập trước 18:00 giờ, giờ địa phương.

Dịch vụ tàu điện ngầm của thành phố hoàn toàn bị đóng cửa, và một số nguồn tin nói các phương tiện đã bị ngăn không cho tiến vào thành phố.

Ít phút trước lúc 18:00 giờ, cảnh sát tuyên bố trên loa lớn rằng họ sắp tiến hành một "chiến dịch chống khủng bố".

Lực lượng an ninh, được xe bọc thép yểm trợ, đã tiến hành tháo gỡ các rào chắn, dùng vòi rồng và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông.

Những người biểu tình đáp trả bằng pháo hoa và bom xăng, đồng thời tạo nên những đám cháy lớn để ngăn bước tiến của cảnh sát.

Các lãnh đạo đối lập sau đó đã có cuộc gặp với Tổng thống Viktor Yanukovych nhưng hai bên đã không thể tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Ông Vitaly Klitschko, lãnh đạo đảng đối lập Udar, nói với đài truyền hình Hromadske TV rằng tổng thống chỉ cho người biểu tình một sự lựa chọn duy nhất: Rời khỏi Maidan và trở về nhà.

Vào chiều tối 18/2, cảnh sát đã tìm cách chọc thủng một rào chắn ở Quảng trường Evorpeyska, nhưng cuộc tiến công đã bị đẩy lùi.

Các thủ lĩnh phe biểu tình đã thúc giục những người trấn thủ ở Maidan giữ vững vị trí và kêu gọi người dân từ những nơi khác kéo về quảng trường.

"Chúng ta sẽ không đi đâu cả," ông Klitschko nói. "Đây là hòn đảo của tự do và chúng ta sẽ bảo vệ nó."

Ông Arseniy Yatsenyuk, người đứng đầu đảng Tổ quốc, đã kêu gọi Tổng thống Yanukovych "chấm dứt cảnh đổ máu".

"Tính mạng của những con người này và tương lai của đất nước có thể bị dìm trong máu. Hãy dừng lại, Viktor Yanukovych," ông nói.

Những người biểu tình nói họ sẽ không rời khỏi Quảng trường Độc lập

 

'Cần thêm thời gian'

Phóng viên BBC tại Kiev, David Stern, nhận định đây là một trong những thời khắc quyết định đối với Ukraine và nhiều người quan ngại rằng tình trạng bạo lực sẽ leo thang.

Mặc dù điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với một cuộc nội chiến như nhiều ý kiến trước đó, Ukraine vẫn bị chia rẽ một cách nghiêm trọng, phóng viên của chúng tôi nói thêm.

Tình trạng bất ổn tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 11, sau khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên hiệp và tự do thương mại với Liên Hiệp châu Âu để giữ quan hệ với Nga.

Những người biểu tình ủng hộ châu Âu đã yêu cầu ông Yanukovych phải từ chức và muốn một cuộc bầu cử sớm được tiến hành.

Bầu không khí nhiều ngày qua đã có phần bớt căng thẳng, tuy nhiên người dân vẫn tiếp tục xuống đường.

Trước đó, cũng trong ngày thứ Ba, cảnh sát đã ngăn chặn một đoàn người biểu tình tiến về phía trụ sở quốc hội, nơi các nghị sỹ lẽ ra sẽ có cuộc thảo luận về việc thay đổi hiến pháp, điều vốn sẽ hạn chế quyền lực của tổng thống.

Cuộc thảo luận này đã không diễn ra. Ông Yatsenyuk nói Tổng thống Yanukovych đang ngăn cản cải cách và những người đồng minh của ông "không hề có ý muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị".

Nhà Trắng nói "vũ lực sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng"

 

Tuy nhiên các nghị sỹ ủng hộ tổng thống cho rằng những đề xuất thay đổi hiến pháp chưa được thảo luận kỹ càng, và nói họ muốn có thêm thời gian.

Một số người biểu tình đã dùng đá lót đường để ném về phía cảnh sát. Cảnh sát đáp trả bằng các loại lựu đạn khói, lựu đạn gây choáng và đạn cao su. Giới quan sát nói hiện vẫn chưa rõ bên nào đã khơi mào cho vụ bạo lực mới nhất, vì cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau.

Những người biểu tình cũng đã tiến vào bên trong một trong các trụ sở của Đảng Khu vực của Tổng thống Yanukovych và phóng hỏa tòa nhà trước khi bị cảnh sát đẩy lùi.

Vào cuối ngày 18/2, cảnh sát cho biết ít nhất 16 người đã thiệt mạng, trong đó có bảy cảnh sát.

Nhà Trắng nói tình trạng bạo lực khiến họ "kinh hãi", kèm với nhận định "vũ lực sẽ không giúp giải quyết khủng hoảng".

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã thúc giục Tổng thống Yanukovych "tái khởi động đàm phán với các lãnh đạo đối lập" vào ngày 19/2.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trước đó cũng đã kêu gọi các bên kiềm chế và tiến hành đối thoại.

 

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/02/140219_kiev_clash_maidan_camp.shtml

Publicité
Xã Hội Chủ Nghĩa
Publicité
Archives
Publicité